Tập bút ký nhỏ này chắc chắn sẽ mang lại cho người đọc một số điều thú vị. Ngoài việc đọc giải trí ra, nó có thể cung cấp cho chúng ta không chỉ bức tranh toàn cảnh của một vùng thuộc miền Tây Nam Bộ, mà một số từ ngữ, tiếng lóng địa phương được tác giả sử dụng rất nhuần nhuyễn còn có tác dụng bổ sung nguồn văn liệu cho những nhà biên soạn từ điển.
TRẦN VĂN CHÁNH
Từ nhỏ tôi sống với ngoại, không nhiều chữ nhưng bụng bà chứa rất nhiều ca dao, tục ngữ và những câu chuyện “hồi đó ở xứ này”.
Hầu hết chuyện bà kể tôi nghe là chuyện đánh Tây, trốn bao bố… rồi kết thúc bằng cái chép miệng “thằng thiệt gan!”. Thằng thiệt gan đó là dượng Hai mà tôi không hề biết mặt…
Ngoại mất đã gần tròn 30 năm, tôi cũng đi lần tới tuổi 70, đâu còn ai kể chuyện “hồi đó” cho nghe. Tình cờ, đọc cuốn Điệu buồn phương Nam của Kim Chi vừa ra mắt.
Chỉ 214 trang giấy khổ bình thường, cô “nhét” được 57 chuyện kể của người phương Nam, ở xứ U Minh xa xôi. Điệu buồn phương Nam làm sống dậy trong tôi cái thuở nghe ngoại kể chuyện. Tôi đọc một lèo hết cuốn sách, nước mắt nước mũi chảy lòng ròng.
Ờ thì tôi khóc! Khóc vì nhớ ngoại. Khóc vì cười tới nỗi không cầm được nước mắt. Khóc vì cảm thương số phận những con người, những cuộc tình không trọn vẹn.
Không cười rụng răng sao được bác Ba Cọp mê con trai nhưng chỉ đẻ một bầy 6 đứa con gái. Tức mình vì bị bạn bè chọc quê, Ba Cọp cởi quần đi nhồng nhỗng từ đầu trên xóm dưới khoe “súng” cho mọi người thấy bác “ngon lành”, đẻ không được con trai là “tại bả”!
Không cười sao được khi cô gái mới lớn thấy cảnh vợ chồng người ta đang làm tình cứ tưởng là “ổng đang cạo gió cho bả”!
Nhưng những điều để cười không nhiều, mà khóc thì vô thiên lủng. Khóc cho cô gái tặng hết đời con gái cho tình nhân trong đống rơm đêm trước ngày hỏi cưới, để rồi hôm sau cả nhà ngồi chờ miệt mài không thấy đàng trai qua nói.
Cô ôm mối “hận đống rơm” đi phá nát đời mình và nhiều người khác. Khóc cho số phận của người đàn bà trẻ nghèo khổ ôm con chờ chồng mấy năm trời, rồi mừng rỡ khi ổng dìa vài tháng tặng cho cái bụng bầu rồi ổng lại đi. Khóc cho cái nghèo “bền vững” của người nông dân nơi khỉ ho cò gáy đến mức phải ly hương…
Vừa khóc vừa cười cho cái ước mơ không đáng của cô gái quê “được gối đầu trên tay chồng mà ngủ”. Vậy mà cô chỉ được gối đầu trên tay chồng một lần duy nhứt trong đêm tân hôn, còn sau đó là những đêm trằn trọc, khó ngủ.
Chồng cô vốn là dân kháng chiến quen ngủ võng, nên sau khi yêu vợ rồi thì xuống võng mà ngủ, mặc cho cô vợ trằn trọc, trăn trở. Ổng rất tỉnh ngủ, vậy mà đêm đêm tiếng “bật lưng quần” của vợ vang lên lừng lững ổng vẫn không nghe thấy!…
Bằng giọng kể tỉnh rụi, rặt Nam Kỳ lục tỉnh pha chút lí lắc của phụ nữ, Kim Chi lôi người đọc từ chuyện này sang chuyện khác. Qua bạn bè, tôi biết cô không phải nhà văn và đây là cuốn sách đầu tiên cô in được bằng sự đóng góp của nhiều người bạn. Đọc mới thấy không nhà văn nào đủ sức “sáng tạo” những tình tiết “trời thần” như vậy.
Làm sao nghĩ ra độc chiêu dụ người mình thương (nhưng người ta không thương mình) nửa đêm chui vô mùng mình rồi la làng bắt người ta phải cưới? Làm sao nghĩ ra cảnh cô gái cởi quần ngồi chò hỏ trên cầu kinh, tay cầm quần, tay cầm lựu đạn bắt thằng phản bội phải “lạy”?
Cuốn sách dù hay mấy, đọc cho tới lần n thì cũng phải cất vô tủ. Nhưng những thân phận trong sách mãi mãi đi theo người đọc…