Connect with us

Tác giả

Nghỉ việc, dịch giả chuyển ngữ bộ sách kinh điển trong hơn 7 năm

Được phát hành

,

Với mong muốn lan tỏa những cuốn sách hay tới độc giả trong nước, dịch giả Thanh Khê không ngại bắt tay vào dịch những bộ sách dày và khó.

Bo sach La Ma anh 1

Bộ sách Sự suy tàn và sụp đổ của đế chế La Mã với tổng 1.752 trang. Ảnh: Omega+.

Sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã (tên tiếng Anh: The decline and fall of the Roman Empire) của sử gia người Anh Edward Gibbon là một trong những bộ sách tham vọng, đồ sộ và kinh điển về lịch sử văn minh thế giới. Tác phẩm đã ra đời cách đây gần 250 năm, nhưng phải đến gần đây bản dịch tiếng Việt của bộ sách mới được ra mắt nhờ phần chuyển ngữ của dịch giả Thanh Khê.

Hơn 7 năm để hoàn thành một bộ sách

“Bộ sách mang phong cách viết cầu kỳ và trang nhã hồi thế kỷ 18, có những đoạn dịch rất dễ vì thuần túy mô tả, nhưng cũng có những đoạn rất khó đến mức có trang dịch cả buổi vẫn chưa xong”, dịch giả Thanh Khê, tên thật là Nguyễn Hữu Thọ (sinh năm 1986) chia sẻ với Zing về bộ sách vừa hoàn thành.

Khi mới nhận dịch bộ sách này, dù biết là “hơi khó” nhưng người dịch không nghĩ phải đến 7 năm sau, nó mới được ra mắt bạn đọc với phiên bản hoàn chỉnh.

Advertisement

Bộ sách ban đầu thuộc dự án Tủ sách Kinh điển của một công ty làm sách (sau này được một dự án khác tiếp nhận). Khi đó, hầu hết sách trong Tủ sách Kinh điển đều đã có người nhận để dịch, riêng bộ sách The decline and fall of the Roman Empire hơn 1.500 trang thì vẫn còn đó, và thế là bộ sách đến với dịch giả Thanh Khê – một thành viên còn khá trẻ trong nhóm dịch sách của mình.

“Thấy bộ sách 1.500 trang nhiều người cũng ngán”, anh bảo, “dù trước đó chưa đọc bộ này nhưng thấy nội dung và văn phong của Gibbon cũng hợp ý, vì tôi vốn yêu mến thời cổ và vì chưa ai nhận nên tôi nhận luôn”.

Anh cho biết trong việc đọc, bản thân cũng thường có xu hướng chọn cái khó hơn tầm với một chút. Nhưng sau này anh mới biết, hóa ra bộ sách này không chỉ khó hơn tầm mình “một chút”. Sáu tháng sau, anh nghỉ công việc văn phòng để tập trung cho việc dịch bộ sách.

Anh ước chừng để dịch 1.500 trang này sẽ tốn khoảng 2 năm nếu làm một mình. Sau này nhẩm tính lại, trong 7 năm kể từ lúc bắt đầu đến khi sách được phát hành, anh đã dành gần khoảng 5 năm cho một lần dịch và 2 lần chỉnh sửa bộ sách này. Bắt đầu từ năm 2014, anh mất khoảng 3 năm để dịch bộ sách, nhiều hơn 1 năm so với dự kiến.

Tuy nhiên, sau đó bản dịch còn trải qua 2 lần chỉnh sửa khá dài vì khi đọc lại dịch giả vẫn chưa thấy hài lòng. “Cứ sau vài năm quan điểm dịch của tôi lại thay đổi đáng kể, thêm vào đó là kinh nghiệm cũng tăng thêm”, anh chia sẻ. Thời gian dò lại văn bản gốc để chỉnh sửa cũng ngót một năm rưỡi, thành ra đến cuối năm 2022 toàn bộ tác phẩm mới được ra mắt.

Advertisement
Bo sach La Ma anh 2

Dịch giả Thanh Khê khi bắt đầu dịch những trang đầu tiên của quyển sách. Ảnh: NVCC.

Nói về khó khăn lớn nhất khi dịch bộ sách này, anh cho rằng đó là từ ngữ và văn phong. “Văn phong của Gibbon rất cầu kỳ, từ ngữ thì giàu hình tượng. Hơn nữa, câu văn thường rất dài, nếu dịch bám sát văn bản thì kết quả bản dịch chắc chắn sẽ rất khủng khiếp”, anh nói.

Đối với 100 trang đầu tiên anh không nhớ mình đã dịch bao nhiêu lần. Nhưng nhờ những lần dịch xong, đem lại cho những dịch giả kinh nghiệm hơn xem và góp ý, anh yên tâm rằng mình đã đúng hướng tuy vẫn cần trau chuốt thêm. Thời gian đầu, hàng tuần anh đem các bản dịch ấy đến cho những người trong nhóm dịch nhận xét, càng làm càng thấy có thêm động lực khi nghe mọi người nói bộ sách này lẽ ra nên được dịch từ lâu.

Một trở ngại nữa trong quá trình dịch là hàm lượng thông tin lớn. Gibbon là một người uyên bác, có năng lực tự học rất đáng nể. Khi dịch tác phẩm này, anh Khê có thể thấy rất nhiều lĩnh vực mà Gibbon quan tâm, từ triết học, văn chương, tôn giáo, ngôn ngữ cho đến pháp luật. Vì vậy, dịch giả thường phải tra cứu nhiều từ điển chuyên ngành, “có khi phải dịch đến lần thứ 2, thứ 3 mới xuôi tai”.

Thuật ngữ là vấn đề thứ ba. Anh chia sẻ: “Nhìn chung, ta có thể thưởng thức một mạch truyện êm đềm, chỉ thi thoảng va vấp phải một chức danh lạ tai. Nguồn tham khảo về La Mã trong tiếng Việt khá thiếu thốn. Tự mình đặt ra một thuật ngữ dịch thì hơi mạo hiểm, nhưng hoàn toàn tin vào một cách dịch sẵn có cũng mạo hiểm không kém”.

Để những cuốn sách cần thiết đến được với độc giả

Là một người yêu thích văn học, lịch sử từ nhỏ, Thanh Khê cho rằng việc đến với con đường dịch thuật của mình là tự nhiên. Dù sau này theo học ngành toán – tin của ĐH Khoa học Tự nhiên rồi làm việc trong lĩnh vực cơ học chất lưu, anh vẫn luôn “đắm chìm” trong tác phẩm văn học cổ điển, giao lưu với những dịch giả nhiều kinh nghiệm rồi dần dần bén duyên với nghề.

Advertisement

Còn vì sao một dịch giả còn khá trẻ lại chấp nhận bỏ ra nhiều năm để dịch một tác phẩm như vậy? Anh cho biết khi chọn dịch một tác phẩm, anh đều xem xét liệu tác phẩm có cần thiết đối với độc giả và phù hợp với bản thân mình không.

Tôi muốn tập trung vào những cuốn sách cần thiết nhưng chưa có ai dịch thay vì chọn những cuốn đã quá nổi tiếng và có nhiều bản dịch rồi.

Dịch giả Thanh Khê

“Tất nhiên có rất nhiều nội dung cần thiết với người đọc, nhưng tôi muốn tập trung vào những cuốn sách cần thiết nhưng chưa có ai dịch. Đó có thể là những cuốn sách khó, ít người quan tâm… Tôi tự nhủ mình nên dịch những cuốn như vậy thay vì chọn những cuốn đã quá nổi tiếng và có nhiều bản dịch rồi”, anh giải thích.

Với Sự suy tàn và sụp đổ của đế chế La Mã, anh cho rằng không phải tự nhiên mà một tác phẩm trở thành kinh điển. Đó là những giá trị còn lại theo thời gian: giá trị nội dung của tác phẩm, nét độc đáo của bản thân tác giả, giá trị văn chương. “Dù sao, không có nhiều tác phẩm kinh điển bàn về một đế chế rộng lớn như thế, trong khoảng thời gian dài như thế, và với một hàm lượng kiến thức lớn như thế”, anh Khê chia sẻ.

Ngay cả trong quá trình chỉnh sửa lại một bộ sách khó và đồ sộ hơn 1.500 trang, anh Khê nhớ lại hầu như mình chưa khi nào cảm thấy nản lòng. DỊch giả nói thêm: “Tôi chủ động xin chỉnh sửa lại, vì đó là thái độ của tôi với văn bản. Tất nhiên công việc cũng vất vả, nhưng nếu nói nản lòng thì không. Chúng ta thường nản lòng khi lo ngại về chuyện tương lai, còn tôi thì chỉ nghĩ làm sao để kết quả tốt nhất có thể. Cứ như thế tôi đi từ trang này sang trang khác, để đến khi hoàn thành tác phẩm tôi không phải bận tâm nữa, cho nó một số phận riêng vậy”.

Advertisement

Sau bộ sách này, anh cũng đã có dự định cho những tác phẩm tiếp theo, trong đó có một tác phẩm liên quan đến La Mã. Nhờ quá trình dịch bộ sách Sự suy tàn và sụp đổ của đế chế La Mã, anh cho biết mình cũng có được nhiều kiến thức và kinh nghiệm về chủ đề này. Bên cạnh đó, anh vẫn tiếp tục chọn những cuốn sách ít ai dịch, với mong muốn những cuốn sách hay rồi sẽ được đến tay bạn đọc.

Nguồn: https://zingnews.vn/hanh-trinh-7-nam-dua-bo-sach-kinh-dien-ve-la-ma-den-voi-doc-gia-viet-post1382834.html

Tiếp tục đọc
Quảng cáo
Nhấn vào đây để bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tác giả

Nữ tác giả viết để chữa lành thương tổn

Được phát hành

,

Bởi

Ở những tháng ngày chông chênh nhất, Amanda Huỳnh đã đặt bút viết để tự chữa lành tổn thương.

Chua lanh thuong ton anh 1

Tác giả Amanda Huỳnh.

Nhà văn Amanda Huỳnh từng ký họa 2 cuốn sách Lam, Có hẹn với Paris. Đây là nhật ký ghi lại những gì cô trải qua và tích luỹ từ cuộc sống.

Ngày 31/3, Amanda Huỳnh sẽ chính thức ra mắt cuốn sách Nơi chúng ta thuộc về. Cô mở đầu tác phẩm bằng lời tựa ám ảnh: “Một tuổi thơ lạc lõng của đứa trẻ lớn lên trong một gia đình đổ vỡ. Một thanh xuân ngông cuồng mập mờ giá trị của bản thân”. Ở những tháng ngày chông chênh nhất, cô đã đặt bút viết để chữa lành tổn thương của mình.

Chua lanh thuong ton anh 2

Nhà văn tâm sự: “Thật ra nơi chúng ta thuộc về không phải là một nơi, một chốn hữu hình. Đã không ít lần giữa những đêm say, những cuộc vui rộn ràng, bạn sẽ tự hỏi liệu mình có thuộc về nơi này? Với tôi, vào một đêm trên chuyến xe ở Reykjavík, giữa con đường xa lộ ngút ngàn, phía đường trời ánh tím ửng hồng, hai bên là những triền núi lửa trắng xoá, bài hát của Asgeir trong album In the silence khẽ vang, tôi đặt tay phải trên dòng chữ ‘biết ơn’ trên tay trái mình và cảm thấy hạnh phúc. Cũng là những chuyến đi, nhưng khác những chuyến đi tuổi trẻ, đã từ lâu, tôi biết nơi trái tim tôi thuộc về”.

Nơi chúng ta thuộc về gồm 3 chương: Yêu – Thương – Tha thứ. Nhà văn viết cuốn sách này vì chính mình và muốn thấu hiểu bạn đọc. “Biết đâu trong những gì tôi sắp kể ra đây, bạn đã hoặc đang chuẩn bị trải qua những gì gần giống như vậy. Biết đâu ở một khoảnh khắc nào đó, chúng ta đã rất giống nhau. Trong khoảng trắng giữa hai dòng chữ, biết đâu ta hiểu nhau. Trong giây phút ngắn ngủi ấy, bạn có tôi và tôi có bạn. Và mong muốn lớn nhất của tôi, đó là bạn biết bạn không chỉ có một mình”, Amanda Huỳnh nói.

Advertisement

Nguồn: https://zingnews.vn/nu-tac-gia-viet-de-chua-lanh-thuong-ton-post1388654.html

Tiếp tục đọc

Tác giả

Tại sao hình tượng Allan Poe tràn ngập trong ‘Wednesday’

Được phát hành

,

Bởi

Những người bình thường khi cô đơn và không được ai thấu hiểu, đã tìm thấy bản thân mình trong hình ảnh mệt mỏi nhưng khôn ngoan của Poe.

the pale blue eye anh 1

Ảnh trong phim The pale blue eye.

Gần đây, Netflix đã phát hành bộ phim bí ẩn kinh dị The Pale Blue Eye với nhân vật tên Edgar Allan Poe, lấy cảm hứng từ nhà văn Edgar Allan Poe, là một học viên tại học viện Quân sự Mỹ. Bên cạnh đó, trong năm 2023, Netflix cũng có dự định ra mắt một bộ phim truyền hình ngắn tập dựa trên truyện ngắn Sự sụp đổ của dòng họ Usher của nhà văn Edgar Allan Poe.

Hình tượng yếu thế của Poe trên màn bạc

Edgar Allan Poe vẫn luôn là một trong những nhà văn nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Ông được nhiều người coi là nhân vật trung tâm của Chủ nghĩa lãng mạn ở Mỹ và của văn học Mỹ. Edgar Allan Poe còn được coi là người phát minh ra thể loại tiểu thuyết trinh thám, đồng thời là người có đóng góp đáng kể cho thể loại khoa học viễn tưởng mới nổi.

Bước sang thế kỷ 20, người ta vẫn xem đại văn hào như một kẻ yếu thế trong xã hội bất công. Một số vở kịch tiểu sử Poe đã mô tả ông như một nhân vật bất hạnh, nạn nhân của nền văn hóa và môi trường xuất bản thù địch, những tác phẩm của ông do đó chưa có được thành công thời điểm ấy.

Advertisement

Hình tượng này đã xuất hiện trên màn bạc vào đầu năm 1909 trong phim ngắn Edgar Allan Poe của D.W. Griffith. Để có tiền trang trải cho người vợ ốm yếu, nhà thơ đã phải đem bán bài thơ Con quạ. Bị từ chối, thậm chí bị coi thường, song cuối cùng, ông vẫn xoay sở bán được bản thảo và có tiền mua các thứ thiết yếu cho người bệnh, chỉ để khi trở về nhà, ông phát hiện vợ mình đã qua đời.

Những bộ phim sau này cũng khắc họa Poe là một nhà văn, nhà thơ bị đánh giá thấp và không được hiểu đúng ở thời của mình. Một bộ phim tiểu sử cực kỳ thiếu tính chính xác ra mắt vào năm 1942, The Loves of Edgar Allan Poe, đã kết thúc với giọng thuyết minh: “…công chúng không biết rằng bản thảo của bài thơ Con quạ, cuốn bản thảo nhà văn đã cố gắng để bán được với giá 25 đô, sau này đã được một tay sưu tầm rao bán với giá 17.000 USD”.

Thực tế, quả thực những bản phác thảo đầu tiên của Con quạ bị từ chối bởi một biên tập viên nhưng Poe đã không gặp khó khăn gì trong việc bán bài thơ, và nó thậm chí còn lập tức gây chấn động trong công chúng.

Dẫu sao, Con quạ cũng đã trở thành biểu tượng cho chính Poe, ẩn dụ về một tuyệt tác đầy bí ẩn và tăm tối mà những người cùng thời không hiểu được.

Trong bộ phim The Man with a Cloak (1951), nhân vật Dupin lấy cảm hứng từ Poe là một nhà văn không ai biết đến đồng thời là một thám tử nghiệp dư. Bộ phim kết thúc với hình ảnh người chủ quán rượu để nước mưa làm mờ đi nét mực trên tờ giấy ghi nợ của Dupin. Mặt trái của tờ giấy là bản thảo gốc bài thơ Annabel Lee, mà như người cầm nó đã cam đoan rằng: “Cái tên này sẽ chẳng bao giờ nổi danh. Cả trăm năm nữa cũng không”. Về điều này, hẳn những khán giả của bộ phim ở 100 năm sau sẽ biết rõ hơn.

Advertisement

Học viện Nevermore và nỗi đau buồn bất tận

Trong bộ phim The Pale Blue Eye, Harry Melling vào vai Edgar Allan Poe, một chàng trai lập dị nhưng có khả năng phá án siêu việt. Phiên bản thanh niên của Poe rõ ràng là một thay đổi mới mẻ, ông không còn được mô tả như một nghệ sĩ bị hành hạ hay một nhân vật ám ảnh, buồn bã. Dù vậy, Poe trong The Pale Blue Eye vẫn bị bắt nạt bởi các bạn đồng nghiệp và bị cấp trên coi thường. Ông vẫn được khắc họa như một kẻ yếu thế mà công chúng muốn cổ vũ.

Poe trong The Pale Blue Eye là một nhân vật hiện đại phù hợp với hình tượng đương đại của ông, một hình tượng tràn ngập trong các tập đầu của Wednesday, phần ngoại truyện của Addams Family lấy bối cảnh ở học viện Nevermore, nơi có rất nhiều ẩn dụ về Poe.

Cô hiệu trưởng của học viện Nevermore – một trường học phép thuật như Hogwarts nhưng dành cho những kẻ bị xã hội ruồng bỏ – đã nhắc đến Poe như là “học viên nổi tiếng nhất” của trường. Điều này giải thích tại sao giải đua thuyền thường niên của trường là Cup Poe và tại sao có một bức tượng của Poe canh gác lối đi bí mật.

the pale blue eye anh 2

Nhân vật chính Wednesday do Jenna Ortega thủ vai.

Nhân vật chính Wednesday do Jenna Ortega thủ vai, là một người chống đối xã hội đầy thú vị, một kẻ bị ruồng bỏ trong số những kẻ bị ruồng bỏ – cô là hiện thân của Poe trong học viện mang cái tên gợi lên Poe.

Trong một phân đoạn, một giáo viên đã khuyến khích cô bé hãy giữ lấy “khả năng không để người khác định nghĩa mình. Đây là một tài năng thiên bẩm, một món quà”. Cô giáo cũng nói thêm: “Những cái cây thú vị nhất mọc trong bóng râm”.

Advertisement

Khi John Lennon hát “Chà, bạn phải nhìn họ đá Edgar Allan Poe” trong bài hát I Am the Walrus, anh ấy đã không cần giải thích ai đá Poe hay vì sao. Trọng điểm là, Poe xứng đáng với những điều tốt hơn; những cái cây thú vị nhất mọc trong bóng râm, xấu xí và thiếu thốn tình thương.

Đó chính xác là lí do rất nhiều người – những nhà văn và các nghệ sĩ được truyền cảm hứng, nhưng cũng đồng thời là những người bình thường khi cô đơn và không được ai thấu hiểu – đã tìm thấy bản thân mình trong hình ảnh mệt mỏi nhưng khôn ngoan của Poe.

Nguồn: https://zingnews.vn/tai-sao-hinh-tuong-allan-poe-tran-ngap-trong-wednesday-post1413284.html

Advertisement
Tiếp tục đọc

Tác giả

Nghị lực phi thường của tác giả ‘Thép đã tôi thế đấy’

Được phát hành

,

Bởi

Nikolai Ostrovsky là một nhà văn tài năng. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Ostrovsky là cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”.

Nghị lực phi thường và khát khao sáng tác đã giúp một con người bị mù, bại liệt tạo ra một tác phẩm được các thế hệ tìm đọc, trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều người, được xuất bản tại 47 quốc gia với 56 thứ tiếng.

Bản thân nhà văn cho biết chính việc viết cuốn tiểu thuyết này đã không cho phép ông đánh mất ý chí và khát vọng được sống trở lại. Tính cách thép của Ostrovsky đã được tôi luyện trong những hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã.

Tuổi thơ và tuổi trẻ

Nikolai Alexeevich Ostrovsky sinh ngày 29/9/1904 trong một gia đình khá giả ở làng Viliya, tỉnh Volyn. Thời thơ ấu là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời nhà văn. Khi Nikolai đến tuổi thiếu niên, gia đình trở nên nghèo khó và dân làng không có nhiều tình cảm đối với những người giàu có trước đây. Ngoài ra, vào thời điểm này, chiến tuyến của Thế chiến I đã đến gần ngôi làng địa phương. Người mẹ đã đưa các con rời đến Shepetinka – một ngã ba đường sắt lớn.

Advertisement

Tại đây, Nikolai bắt đầu làm việc trong căng-tin của nhà ga, nhưng tiền lương thấp và không đủ sống. Ostrovsky đặc biệt thông minh và học rất giỏi, anh theo học trường giáo xứ và tốt nghiệp loại xuất sắc. Sau đó, anh vào một trường trung cấp, đồng thời làm đủ mọi công việc, từ đốt lò, thợ làm khuôn cho đến nhân công nhà bếp. Chàng trai trẻ đã không nề hà bất cứ công việc gì để giúp gia đình tồn tại.

Năm 1919, Ostrovsky gia nhập tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Komsomol. Không lâu sau, anh ra mặt trận, chiến đấu rất kiên cường và quả cảm đến mức quên mình. Trong một trận chiến anh đã bị thương nặng, sau đó phải nằm viện hơn hai tháng. Hầu hết thời gian đó Nikolai bị bất tỉnh và mê sảng. Các bác sĩ đã hết hy vọng. Bất chấp tất cả, anh vẫn sống sót và đứng vững trở lại.

Nikolai Ostrovsky anh 1

Sau đó, Ostrovsky lại nhanh chóng ra tiền tuyến. Chỉ sau một thời gian ngắn, trong một trận chiến anh bị ngã từ trên lưng ngựa và bị thương ở cột sống và lại phải nhập viện. Các biến chứng đã khiến mắt của anh bị giảm thị lực, một mảnh đạn đã làm hỏng dây thần kinh của mắt phải. Sau đó, anh được chuyển sang đội dự bị, song con người dũng cảm không thể ngồi yên và không ngừng nghỉ đóng góp cho đất nước, ít nhất là ở hậu phương.

Người đoàn viên thanh niên cộng sản kiên cường Nikolai Ostrovsky đã đến Kyiv để góp sức khôi phục đường sắt. Công việc nặng nhọc, những người thợ xây sống trong khu nhà không có hệ thống sưởi, có rất ít thức ăn. Một ngày nọ, anh cảm thấy khắp người đau nhói. Anh đã gắng gượng dùng tất cả sức lực của mình vượt qua nó để đi làm việc như những người khác. Hậu quả là công trình chưa kịp hoàn thành thì chàng trai trẻ đã bị căn bệnh viêm đa khớp quật ngã. Các bác sĩ đã đưa ra một chẩn đoán đáng thất vọng: tất cả các khớp xương đang trong tình trạng dần bị cốt hóa. Hội đồng y khoa đã xếp anh vào nhóm khuyết tật, nhưng Ostrovsky đã từ chối tiền trợ cấp để giấu cha mẹ sự thật rằng anh đã trở thành người khuyết tật nhóm I.

Thép đã được tôi luyện

Ba năm sau, Ostrovsky được cử đến quận Berezdovski với tư cách là thư ký ủy ban quận Komcomol. Lúc này anh đi lại khập khiễng, khó nhọc và không thể di chuyển nếu không có đôi nạng. Song sự thương hại của những người xung quanh khiến anh vô cùng khó chịu và không thể chịu đựng được khi họ cố gắng giúp đỡ nên luôn giận dữ từ chối. Cuối cùng, anh đổ bệnh và tình trạng mỗi ngày càng trở nên tồi tệ. Các bác sĩ đề nghị Nikolai cắt cụt chân, nhưng anh cương quyết từ chối.

Trong một bức thư gửi cho người bạn của mình, Nikolai viết rằng anh tự thấy mình giống như một con sói con bị nhốt trong lồng, thậm chí còn không thể tự chải đầu. Sự bất lực này khiến cho nhà văn tương lai lo sợ đến mức anh đã gắng tập luyện đến khi kiệt sức với dụng cụ là một con lăn được đóng đinh vào trần nhà phía trên giường, một sợi dây thừng được vắt lên đó, một đầu dây được buộc vào chân. Nikolai dùng tay nắm lấy đầu dây bên kia. Khi anh kéo dây, hai chân anh nhấc lên, nhưng khi buông dây thì đôi chân lại thõng xuống. Những nỗ lực đến tuyệt vọng đã không có tác dụng và khả năng di chuyển không bao giờ khôi phục được nữa, đồng thời đôi mắt anh cũng đã bị hỏng hoàn toàn.

Advertisement

Tại thời điểm này, Nikolai nảy ra ý tưởng viết một cuốn tiểu thuyết. Anh phải chứng minh cho sự tồn tại của mình bằng cách nào đó, điều được coi là không hề dễ dàng. Đồng thời, Nikolai biết rất rõ rằng mình cần phải khẩn trương hơn. Anh đã yêu cầu người vợ Raisa viết lại những thứ mình đọc, song anh thấy thất vọng vì cô viết rất chậm. Với ánh mắt vô hồn, nhà văn đã nhìn thẳng về phía trước và cảm thấy như đã nhìn thấy tận mắt những gì mình đọc ra.

Raisa không thể luôn túc trực bên giường, cô còn phải làm việc. Nikolai bắt đầu tự mình viết. Anh lấy những tờ giấy và rất nỗ lực viết từng chữ bằng bút chì nhưng thấy rất khó để cầm bút bằng những ngón tay khó bảo của mình. Thường xuyên xảy ra hiện tượng các dòng chữ chồng lên nhau và những gì đã được viết ra sau đó không thể đọc được. Để khắc phục điều này, anh đã tạo ra một chiếc khuôn đặc biệt, trên tấm bìa cứng có khía những dòng kẻ dài rộng và anh đã viết lên đó.

Hầu hết Nikolai thường làm việc vào ban đêm. Người vợ anh để sẵn cho anh một tập giấy và vài cây bút chì được vót nhọn. Nhà văn đã làm việc suốt những đêm dài. Đến sáng, trên khắp sàn nhà trải đầy những tờ giấy viết nguệch ngoạc. Anh đánh số các trang rồi sau đó người nhà xếp chúng theo thứ tự. Một thời gian sau, một người hàng xóm là cô Galina Alexeevna bắt đầu giúp đỡ Ostrovsky. Với sự trợ giúp của cô, vào mùa thu năm 1931, anh đã hoàn thành phần đầu tiên của cuốn tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy. Trong cuốn tiểu thuyết, theo cách riêng của mình, anh đã truyền đạt tất cả những điều mà bản thân đã trải qua.

Ostrovsky gửi bản thảo cho Tạp chí Đội cận vệ thanh niên nhưng chỉ nhận được sự đánh giá tiêu cực. Nhà văn vẫn cố thuyết phục họ xem xét lại và rồi những trang viết vẫn được in. Các nhà xuất bản sách thì vẫn từ chối. Sau khi được đăng trên tạp chí, câu chuyện bắt đầu được tìm đọc rồi nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Trong các thư viện là những hàng người chờ đến lượt đọc và các buổi đọc truyện trực tiếp đã được tổ chức. Ostrovsky bắt đầu nhận được rất nhiều thư khen ngợi từ các độc giả biểu thị lòng biết ơn. Điều đó đã khích lệ anh rất nhiều. Anh đã sẵn sàng làm việc nhiều hơn trong lĩnh vực viết văn. Kể từ khi đó thành công đã trở nên trọn vẹn khi cuốn sách đã được đưa vào xuất bản. Ngay cả khi Ostrovsky còn sống, cuốn tiểu thuyết đã được tái bản hơn 40 lần.

Thành tựu trở thành di sản

Trong những năm tiếp theo, cuốn sách đã được dịch sang tiếng Nhật và tiếng Anh. Chưa dừng lại ở đó, tổng cộng cuốn tiểu thuyết đã được xuất bản tại 47 quốc gia với 56 ngôn ngữ khác nhau. Trong bản dịch tiếng Anh, cuốn Thép đã tôi thế đấy được đổi tên thành Tạo ra người anh hùngTrở thành anh hùng. Ostrovsky đồng ý với sự thay đổi đó, nhưng cũng yêu cầu có kèm theo tiêu đề gốc.

Advertisement

Tại Liên Xô, Thép đã tôi thế đấy đã trở thành cuốn sách được xuất bản nhiều nhất. Chỉ tính riêng xuất bản phẩm bằng tiếng Nga đã có hơn 500 lần tái bản. Còn trong số 75 ngôn ngữ của các dân tộc Liên Xô, cuốn tiểu thuyết được xuất bản tới 773 lần với số lượng phát hành hơn 53 triệu bản! Cuốn tiểu thuyết cũng ba lần được dựng thành phim vào các năm 1942, 1956 và 1973. Trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, cuốn truyện đã được đọc trước những người lính trong chiến hào. Một con phố ở Moscow thậm chí còn được đặt theo tên của nhân vật chính – đây là trường hợp duy nhất khi một đường phố được đặt theo tên của một nhân vật văn học.

Phần thưởng xứng đáng

Năm 1935, Nikolai Ostrovsky đã được trao tặng Huân chương Lenin đồng thời được phong danh hiệu Chính ủy Lữ đoàn. Chính phủ Liên Xô đã cấp cho nhà văn một ngôi nhà ở Sochi và một căn hộ ở Moscow. Những tháng cuối đời, Ostrovsky sống ở con phố mang tên mình, ông tiếp đón độc giả và các nhà văn tại nhà. Vào mùa hè cùng năm, nhà văn chính thức cam kết sẽ viết một cuốn sách mới mà ông đặt tên là Sinh ra trong bão táp. Cuốn tiểu thuyết này được coi như một tác phẩm về cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản Ucraine chống lại Ba Lan và cuộc đấu tranh sắp tới chống chủ nghĩa phát xít. Việc cuốn sách mới này ít tiếng vang hơn cuốn trước là điều hiển nhiên, nhưng tác phẩm vẫn khẳng định tài năng và sự phát triển nghề nghiệp của tác giả.

Thật không may, đã không còn dịp để đánh giá một cách trọn vẹn sáng tác của nhà văn. Cuốn sách mới đã không bao giờ có hồi kết. Vào ngày 22/12/1936 Nikolai Alexeevich Ostrovsky đã trút hơi thở cuối cùng khi còn chưa kịp hoàn thành cuốn tiểu thuyết mới của mình. Khi đó ông mới chỉ 32 tuổi. Theo các bác sĩ thời nay, nhà văn đã qua đời vì căn bệnh đa xơ cứng và bệnh viêm cột sống dính khớp tiến triển.

Người con vĩ đại của đất nước Xô Viết có tính cách thép đã được mai táng tại Moscow. Bất chấp mọi trở ngại vô cùng nghiệt ngã và cái chết trẻ, cùng với sự giúp sức của người vợ yêu thương và chung thủy, nhà văn – chiến sĩ đã không thể bị đánh bại.

Nguồn: https://zingnews.vn/nghi-luc-phi-thuong-cua-tac-gia-thep-da-toi-the-day-post1413359.html

Advertisement

Tiếp tục đọc

Xu hướng