Connect with us

Sách hay

Đọc để nhớ về ‘Mái trường thân yêu’

Được phát hành

,

Thế hệ học sinh thập kỷ 1960-1970 rất nhiều người vẫn còn nhớ “Mái trường thân yêu” từng là cuốn sách được chuyền tay nhau, được thích thú kể lại giữa những người bạn.

Tôi còn nhớ đã đọc cuốn sách này từ lúc mới học lớp bốn, khi ấy những nhân vật trong sách đã học lớp bảy, và đọc truyện về họ khiến mình cảm thấy đã lớn hơn, có cái mốc cao hơn để vươn tới.

Anh chàng Việt lên lớp bảy, lớp cuối cấp hai của hệ phổ thông mười năm, thì người cha được điều động lên phòng y tế huyện ở vùng trung du. Thế là Việt và bà nội theo cha chuyển từ miền xuôi lên. Hầu như thời đó, học sinh miền Bắc chưa mấy ai lên đến miền trung du ấy, nhưng từ trong sách, những cái tên nghe thật đáng ao ước: Miền trung du Phú Thọ, huyện Lâm Thao, Tam Nông, con sông Thao, và Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao ở ngay cạnh trường.

Mai truong than yeu anh 1

Mái trường thân yêu, truyện dài của Lê Khắc Hoan, NXB. Kim Đồng tái bản 2022.

Việt vào lớp 7A, đấy là năm 1962, miền Bắc mới hòa bình được tám năm, đang là những năm xây dựng và phải hai năm nữa mới bắt đầu bom rơi đạn nổ của chiến tranh phá hoại. Khung cảnh bình yên đơn sơ được tác giả Lê Khắc Hoan phác họa rất thân thương: “Trường chúng tôi còn nghèo, văn phòng nhà trường đặt trong một ngôi nhà lá, các phòng học đều là nhà lá, nơi ăn ở và làm việc của các thầy giáo cũng là nhà lá nốt. Năm ngoái, trường vừa mới xây được một tòa nhà gạch, các thầy các cô dành cho Đội Thiếu niên làm câu lạc bộ. Ngôi nhà đặt trên đỉnh đồi, có năm gian, trông vừa gọn vừa xinh, tường quét vôi xanh mát dịu dàng, mái ngói đỏ tươi rực lên dưới ánh nắng sớm” (trang 27 – 28).

Advertisement

Hình ảnh một ngôi trường, sau sáu mươi năm, bây giờ đã khác nhiều. Nhưng người từng sống qua thời học sinh những năm tháng ấy, kể cả học sinh thành phố từng phải sơ tán về nông thôn, đọc những dòng này đều sẽ nhớ mình có trong ký ức một ngôi trường tương tự.

Cậu học sinh Việt vào lớp mới trường mới, được bạn bè đón nhận nhưng không dễ hòa nhập được ngay. Vốn mê sách, mang theo cả tủ sách vài trăm cuốn, nhưng khi lớp xây dựng tủ sách, có bạn góp vào mấy chục cuốn thì Việt chỉ lén lút nộp vào ba cuốn tạp chí địa phương mỏng dính. Giỏi toán, được phân công giúp một bạn học yếu, nhưng khi thấy bạn được điểm 5/5 môn địa lý thì Việt lại ghen tỵ khó chịu.

Khi đá bóng, Việt chỉ nghĩ đến việc phải làm bàn mà không chịu chuyền bóng cho đồng đội phối hợp. Làm gãy cái ghế băng của bạn, Việt không tự sửa mà lại bí mật bê chiếc ghế hỏng sang lớp khác, đổi lấy chiếc ghế tốt mang về… Những tình huống như vậy đều được các bạn phát hiện, giúp sửa chữa, sửa không dễ, nhưng đấy là một quá trình chuyển đổi tự nhiên.

Tập thể lớp 7A ấy thật đáng yêu. Các bạn học sinh nông thôn vừa giúp gia đình công việc đồng áng chăn nuôi, vừa tham gia việc hợp tác xã, việc nhà trường xây dựng vườn địa lý để dự báo thời tiết. Trên hết là việc học: phân công từng đôi bạn giúp nhau học tập, hình thành đôi bạn 8, 9, 10 điểm.

Học sinh lớp bảy, ở tuổi mười ba, cá tính cũng thật đặc sắc. Đứa tinh nghịch, vào vườn địa lý đổ đầy nước vào ống đo mưa, khiến sáng hôm sau bạn dự báo nhầm lượng mưa. Đứa thách nhau đốt cái lều vịt giữa đồng. Đứa tung con chuột đỏ hỏn vào giữa đám con gái, có bạn hoảng quá nhảy cả lên mặt ghế để tránh. Viết báo tường bí mật châm biếm và đấu khẩu với nhau.

Advertisement

Những cảnh nặn ra thơ báo tường như thế này, chắc thời học sinh, nhiều người nhớ: “Đội ta có một cô nàng / Thấy con chuột nhắt vội vàng cuống lên / Mặt tái xám, mồm kêu rên… Đến đó lại tắc tị. Không biết mai sau thằng Mạnh có trở thành “nhà thơ” hay không, chứ hiện nay, rõ ràng nó chỉ mới là một “nhà ghép vần” hạng bét. Tôi nghe nói làm thơ thì phải chọn lọc ngôn ngữ, vần điệu để diễn đạt tứ thơ. Đằng này thằng Mạnh làm ngược lại.

Nó ghi hết ra giấy những tiếng có vần với tiếng rên như “phên”, “lên”, “bên”, “tên”, “trên” rồi cả ba đứa bóp trán suy nghĩ xem đặt câu thơ thế nào cho… xuôi tai, còn ý tứ thì… phiên phiến thôi. Tôi và thằng Vĩnh đang bí, chợt thằng Mạnh vỗ trán đánh “bẹt” một cái, reo lên: – Tớ nghĩ ra rồi: “Con gái yếu như con sên”. – Không được – Tôi gạt phắt – Đang bí một câu những tám chữ cơ mà, còn câu ấy, “con”, “gái”, “yếu”, “như”, “con”, “sên”, mới được sáu chữ thôi. Thiếu đứt đi hai chữ.

Thằng Vĩnh cũng nói thêm: vả lại chủ đề bài thơ là bàn về dũng cảm và hèn nhát, chứ lôi cái chuyện khỏe hay yếu ra làm gì” (trang 176-177).

Những câu chuyện, những tình huống như thế, giờ đây đọc lại là được đọc lại từng kỷ niệm. Thì ra có những câu chữ, những tình tiết ta từng thuộc từng nhớ, tưởng đã nằm yên trong ký ức, đọc lại là dịp để phục dựng tất cả.

Cũng những anh bạn viết báo tường tinh nghịch và nghiêm túc này đã viết một vở kịch để diễn với nhau. Họ tưởng tượng ra hai mươi năm sau trở lại thăm cô giáo chủ nhiệm. Việt trở thành bác sĩ như cha mình. Chiến là kỹ sư chế tạo ra máy cấy để giúp cho bầm và bà con ở quê đỡ vất vả. San và Cao thành đội trưởng sản xuất và lái máy kéo, đồng thời vẽ hý họa cộng tác với báo địa phương…

Advertisement

Đặc biệt Mạnh từ nông trường cao su miền Đông Nam bộ cũng bay ra thăm cô giáo cũ. Ta cần ghi nhận rằng câu chuyện ở năm 1962, hai miền còn chia cắt, nhưng ngay từ khi ấy, các bạn học sinh đã đầy ắp tinh thần thống nhất đất nước và mơ ước, đến năm 1982 đất nước đã liền một dải – niềm mơ ước hóa ra là tiên đoán. Lúc ấy họ chưa biết sẽ có một cuộc chiến ác liệt, và thế hệ họ sẽ hy sinh nhiều nhất trong cuộc chiến sắp tới.

Nhà giáo Lê Khắc Hoan (1937 – 2021) viết Mái trường thân yêu khi dạy học ở Phú Thọ, chủ nhiệm một lớp học cấp hai đúng như đã kể trong sách. Nghe đâu tác giả giữ nguyên tên các nhân vật thầy và trò như ở ngoài đời. Sách xuất bản năm 1964, ngay lần đầu đã in 35.000 bản, từ đó đến nay đã tái bản nhiều lần, sách trở thành tác phẩm kinh điển của học sinh. Biên tập viên có sai sót khi ghi ở bìa gấp rằng sách được giải năm 1961, chỉ một ly vậy thôi mà con số 1961 đã từ các trang mạng bán sách lan ra khắp các trang mạng liên quan. Một sai sót về văn học sử.

Lần in lại này, chính tả đã ép theo chính tả hiện thời của ngành giáo dục, chẳng hạn nhiều chữ y đã bị chuyển thành i. Bản thân quy định chính tả này chưa được giới truyền thông tán thành rộng rãi. Vả lại, sửa chính tả của tác giả như vậy cũng là chưa tôn trọng tính nguyên bản của tác phẩm.

Nguồn: https://zingnews.vn/doc-de-nho-ve-mai-truong-than-yeu-post1354787.html

Advertisement

Sách hay

Hai cuốn sách về vùng đất Bình Dương anh hùng

Được phát hành

,

Bởi

Ông Nguyễn Quang Thiều nói hai cuốn sách đã “dựng lên đài tưởng niệm bằng ngôn từ”, để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước.

Xa Binh Duong anh 1

Hai cuốn sách về xã Bình Dương. Ảnh: A.V.

“Lửa ngập đôi bờ Bình Dương, Bình Hải

Tan nát chợ Chiều, chợ Được, Bình Sa

Máu em thơ trộn máu mẹ già

Advertisement

Đã đổ xuống cát đen sạm lại”

Đó là những câu thơ của Chí Cao mô tả sự bi thương và anh dũng của vùng đất Bình Dương thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ.

Vùng đất ba lần được phong anh hùng

Xã Bình Dương là một vùng cát ven biển, trong chiến tranh chống Mỹ, nơi đây bị địch đánh phá hàng nghìn tấn bom đạn, cày ủi xác xơ cả một vùng cát không còn một cây dương, ngọn cỏ. Địch dồn đồng bào vào khu đồn ấp chiến lược nhằm cô lập, cắt đứt liên lạc giữa người dân với bộ đội quân giải phóng. Để giữ lại mảnh đất này, đã có hàng nghìn đồng bào, chiến sĩ ngã xuống, chống lại kẻ địch.

Ông Hồ Thanh Hải, Chủ tịch hội đồng hương Thăng Bình tại Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Nam, cho biết sau 48 năm vùng đất được sống trong hòa bình với một diện mạo mới, đã có hơn hai thế hệ con cháu ra đời, tiếp nối các thế hệ cha ông đi trước. Nhưng những vết tích của chiến tranh và minh chứng cho lòng quả cảm của người dân nơi đây không còn nhiều nữa.

Mặc dù đã có nhiều quyển sách viết về vùng đất này, vẫn chưa đủ để làm cho các thế hệ sau hiểu sâu sắc về cuộc chiến đầy máu và nước mắt của cha ông.

Advertisement

Chính vì vậy, hai cuốn sách Vườn mẹBình Dương vùng đất anh hùng giúp thế hệ hôm nay và mai sau thêm hiểu về một vùng đất, một thế hệ cha ông đã kiên cường đấu tranh cho mai sau.

Cuốn sách Bình Dương vùng đất anh hùngVườn mẹ đều là tập bút ký của nhiều tác giả. Qua những bài viết, độc giả hôm nay được biết tới căn cứ lõm ở Bàu Bính, xã Bình Dương – một địa danh điển hình cho lòng quả cảm, kiên trung, sự hy sinh vô bờ bến của quân dân trong cuộc đấu tranh giành lại tự do.

Từ đầu năm 1971 đến cuối năm 1972, đồng bào, chiến sĩ ở căn cứ lõm này đã chiến đấu kiên cường giữa bốn bề là quân Mỹ, lính đánh thuê, ngụy quyền. Lực lượng vũ trang đã chiến đấu với tinh thần “một tấc không đi, một li không rời” giữ vững trận địa cho đến ngày có lệnh rút lên cánh Tây bảo vệ lực lượng.

Căn cứ lõm Bàu Bính nằm trong xã Bình Dương, một xã có 4.700 người ngã xuống trong chiến tranh trên tổng số 7.869 người dân. Mảnh đất có 1.347 liệt sĩ, 400 mẹ Việt Nam anh hùng. Xã Bình Dương ba lần được phong danh hiệu Anh hùng.

Xa Binh Duong anh 2

Tập bút ký về vùng đất ba lần được phong anh hùng.

Tượng đài bằng ngôn từ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh cho độc lập, tự do

Ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết đây là hai cuốn sách đặc biệt do Hội đồng hương Thăng Bình, Quảng Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành.

Advertisement

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng hai cuốn sách đã “dựng lên đài tưởng niệm bằng ngôn từ”, để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong cuộc chiến khốc liệt cho nền độc lập, tự do của đất nước.

Theo ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bình Dương là nơi chiến đấu gian khổ, hy sinh, là tiêu biểu cho mô hình chiến tranh nhân dân thời chống Mỹ. Nơi đây cùng là mảnh đất của tình người cao đẹp; biểu hiện cho sức sống mạnh mẽ.

Hai cuốn sách Vườn mẹBình Dương, vùng đất anh hùng mang giá trị lịch sử về vùng đất anh hùng. Trong thời buổi công nghệ hiện đại này, hai cuốn sách giúp giáo dục thế hệ trẻ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nói mảnh đất Bình Dương từng đi vào văn thơ của nhiều cây bút, tiêu biểu là Cát cháy của nhà văn Nguyên Ngọc. Tuy vậy, hai cuốn sách mới phát hành viết về Bình Dương ở những góc độ khác nhau.

Phó chủ tịch Hội Nhà văn mong muốn có thêm những phiên bản sách đặc biệt, sách khổ nhỏ để đưa sách đến nhiều nơi. Bởi theo ông, những trang sách chứa đựng lịch sử về Bình Dương ấy cho thấy tinh thần anh dũng của người Việt trong chiến tranh. Sách phù hợp cho người muốn nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử của vùng đất nói riêng, tinh thần thép và ý chí người Việt nói chung.

Advertisement

Nguồn: https://zingnews.vn/hai-cuon-sach-ve-vung-dat-binh-duong-anh-hung-post1414946.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Chuyến phiêu lưu của chú cá linh

Được phát hành

,

Bởi

Hành trình đi học của chú cá linh thực ra là hành trình trốn tránh cạm bẫy. Sách gửi thông điệp đến với mỗi độc giả: hãy sống bình đẳng và bảo vệ thiên nhiên.

Ca Linh di hoc anh 1

Sách Cá linh đi học. Ảnh: M.U.

Nhắc đến nhà văn Lê Quang Trạng là người đọc nhớ ngay đến cảnh sắc miền Tây, với sông nước chằng chịt đan xen, con người đôn hậu phóng khoáng. Anh viết nhiều thể loại, từ thơ, truyện ngắn, ghi chép bút kí, rồi truyện dài thiếu nhi. Ở thể loại nào anh cũng để lại những dấu ấn riêng biệt về mảnh đất nơi mình sinh ra lớn lên, nhưng riêng nhất có lẽ là truyện thiếu nhi.

Từ Thủ lĩnh băng vịt đồng, đến cuốn sách mới xuất bản Cá linh đi học (Nhà xuất bản Kim Đồng), tác giả đã đưa các em nhỏ đến với chuyến hành trình “tái” khám phá vùng đất của những Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức… dưới con mắt của người viết hôm nay.

Hành trình hiểm nguy của Linh Ống

Cá linh là một loài thuộc họ cá chép, nguồn gốc từ biển Hồ – Campuchia. Vào tháng 5 âm lịch hàng năm, cá đẻ trứng trên khu vực sông Mê Kông nước bạn, tháng 7 theo nước lũ từ thượng nguồn đổ xuống đồng bằng sông Cửu Long. Trong quá trình di chuyển cá ùa vào đồng ruộng, ăn thỏa thuê rong rêu, phù du rồi lớn dần. Tháng 10 nước rút, cá từ trong đồng ruộng hạ lưu túa ra sông ngược về.

Advertisement

Hành trình của chú cá Linh Ống trong cuốn sách cũng bắt đầu như vậy. Nhà chú ở Biển Hồ, theo tập tục của loài cá linh hàng năm chú lên đường đi học ở trường học sông Cửu Long.

Quá trình đi học là quá trình chú nhận ra cuộc sống không đơn giản như những gì mình vẫn nghĩ. Chướng ngại vật đầu tiên của chú là lưới điện. Kế nữa, thuốc nổ mà loài người quăng vô tội vạ xuống sông để bắt cá. Chưa kịp chuẩn bị gì, chú sợ. Nhưng sợ hơn nữa là phải chứng kiến cái chết của bạn bè cùng loài, của bạn thân cá Heo.

“Tôi thấy những người anh em của mình lờ đờ trôi. Tụi nó mở mắt trao tráo, mà lay vây đứa nào đứa nấy cũng im thinh.”

Từ đận chia tay lạc đàn ở nhánh sông biên giới, chú lang thang vật vờ gặp được Tôm Bọc. Tôm Bọc cũng là nạn nhân của loài người. Khi loài người vứt rác thải xuống sông, rác trôi chú ta vướng vào từ đó không thoát ra được. Khi tôm bị loài cá nóc mít tấn công thì vô tình cái túi bị xé, tôm thoát được nhưng bị mất một càng. Linh Ống tạm gác chuyến đi ở lại chăm sóc kiếm thức ăn khi Tôm Càng lột xác bấy bớt, yếu ớt.

Tiếp đến, chú tìm gặp ông cá sấu Năm Chèo ở Vàm Nam để hỏi bao giờ loài người không còn giăng lưới điện giết cá linh nữa. Ông Năm Chèo tức giận xua cá đi lấy cớ bận tu (hay chính ông cũng chẳng thể có câu trả lời).

Advertisement

Trong quá trình bị ông Năm Chèo đuổi đi, Linh Ống gặp được ông cá Hô. Ông cá Hô dẫu bị loài người ngày đêm săn đuổi (có đến hơn chục chiếc ghe cào muốn nát khúc sông này chỉ để tìm bắt được đích danh ta) vẫn sẵn sàng dẫn Linh Ống qua đoạn sông dữ giăng trùng trùng cạm bẫy.

Từ đây vô tình Linh Ống gặp cá Rô trầm cảm (vì mâu thuẫn với bố mẹ), cuộc phiêu lưu từ sông chuyển sang cuộc phiêu lưu nơi đồng ruộng, và đào thoát khỏi cảnh cá chậu chim lồng.

Ca Linh di hoc anh 2

Sách gửi thông điệp bảo vệ thiên nhiên tới bạn đọc nhỏ. Ảnh: Q.T.

Thoát bẫy để trở về

Cá Rô và Linh Ống vô tình bị một cậu bé bắt nuôi làm cảnh. Ở trong bể cá cảnh, cả hai quen với Ba Đuôi, một bạn cá màu đỏ. Cả ba được nuôi sống bằng thức ăn công nghiệp dạng viên.

Cá Rô sau mấy ngày đói thì bắt đầu mon men ăn thức ăn của con người. Riêng Linh Ống thì không, cậu quen ăn rong rêu nơi sông nước, ruộng đồng tự nhiên chứ không ăn thức ăn công nghiệp.

Biết trước ở lại trong bể cá sớm muộn gì cũng chết đói (và chết buồn), tưởng đâu số phận an bài, thì may bạn Ba Đuôi mách cho cả hai cách phềnh ngửa bụng giả chết để loài người vứt đi (đồng nghĩa thả ra).

Advertisement

Sau khi thoát ra, cá Rô đưa Linh Ống về đến Láng Sen, tìm gặp bác Rùa trên mai có hai chữ “phóng sinh” để nhờ bác chỉ cách tìm về được với những người anh em thất lạc khi đi từ Biển Hồ sang. Trong khi chờ đợi ở Láng Sen, tẩm bổ lại cơ thể để có sức cho chuyến trở về Linh Ống được nghe kể, gặp bao chuyện lạ.

Ông Lóc chồng do ăn quá nhiều thức ăn tẩm hóa chất của con người thải ra mà cơ thể biến dạng, đầu nổi u, thân phù màu đỏ, vây ở lưng và bụng dựng đứng lên. Vợ con ông cá Lóc không nhận ra ông cuối cùng phải bỏ xứ tìm nơi tịnh thân để thải hết chất độc trong người ra.

Rồi chuyện đánh nhau giành đất giữa kiến cánh và kiến lửa khiến bao kiến oan mạng. Chuyện bác Rùa có linh tính, coi móng biết trước chuyện tương lai. Chính bác tạo hang động dưới cây da ngã để mỗi mùa động ổ bị con người xẹt điện các loài thủy sản có chỗ nương náu. Nhờ thế mà các loài vẫn tồn tại được chứ chưa đến mức tuyệt diệt.

Thế mới thấy, ẩn ngầm sau cuốn sách Cá linh đi học là tiếng kêu cứu của thiên nhiên trước sự tàn phá của con người. Không chỉ đánh cá bằng lưới, con người còn tận diệt bằng thuốc nổ, bằng điện.

Với điện, những con cá nhỏ dính phải không chết cũng không thể lớn, phát triển bình thường. Chưa hết, con người còn vứt rác thải sinh hoạt trực tiếp xuống dòng sông, nạn nhân cụ thể là Tôm Bọc. Rồi rác thải công nghiệp, với nạn nhân là ông Lóc chồng.

Advertisement

Ở đây, hành trình đi học của chú cá linh thực ra là hành trình trốn tránh cạm bẫy của con người giăng ra. Sách gửi thông điệp đến với mỗi độc giả: hãy sống bình đẳng và bảo vệ thiên nhiên.

Cái kết cuối cùng, trải qua bao sóng gió, cạm bẫy, Linh Ống trở về Biển Hồ an toàn với gia đình, với cụ Linh Tía. Cậu vẫn ao ước có một chuyến hành trình tiếp theo nữa, trở về mang hạt phù sa đến với đồng bằng sông Cửu Long, để gặp gỡ thêm nhiều người bạn mới, thăm hỏi những người bạn cũ.

Riêng với loài người, dù bị săn đuổi nhưng cậu vẫn yêu mến chứ không thù hận. Bởi con người cũng có tốt có xấu, có người bắt cá thì cũng có người ngày ba bữa gõ kẻng cho cá ăn mà không mưu lợi điều gì…

Nguồn: https://zingnews.vn/chuyen-phieu-luu-cua-chu-ca-linh-post1415585.html

Advertisement
Tiếp tục đọc

Sách hay

Wolverine đã thay đổi như thế nào kể từ khi xuất hiện

Được phát hành

,

Bởi

Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1974 (trong “Incredible Hulk #180”), tính đến nay Wolverine đã gần 50 năm tuổi và có nhiều thay đổi so với quá khứ.

wolverine anh 1

Wolverine là siêu anh hùng nổi tiếng và có tuổi đời gần 50 năm đối với các độc giả trung thành. Ảnh: ScreenRant.

“Ta là Wolverine. Ta là người giỏi nhất trong những gì đang làm. Và những gì ta đang làm tốt nhất thì không tử tế cho lắm”, đó là một trong những câu thoại kinh điển của Wolverine – dị nhân siêu anh hùng nhưng đóng vai trò giống một phản anh hùng nhiều hơn.

Sống trong cộng động dị nhân và từng là thành viên của nhiều đội nhóm siêu anh hùng, Logan (Wolverine) được rất nhiều độc giả yêu thích vì sự phóng khoáng, tự do và cả chất bướng bỉnh, bất cần của mình. Đối với Logan, anh hiếm khi nào nhất nhất nghe theo sự chỉ đạo của người khác, kể cả các đội trưởng, nhóm trưởng.

Logan sẽ làm điều mình cho là đúng và nên thực hiện hơn là đắn đo suy nghĩ về những ràng buộc mang tính đạo lý thông thường. Cũng chính cái chất phản anh hùng ấy lại giúp anh thu hút được một lượng người hâm mộ khổng lồ đối với thế giới truyện tranh Marvel.

Advertisement

Tính đến nay, đã gần 50 năm kể từ khi Wolverine xuất hiện lần đầu tiên. Và anh ấy đã có những thay đổi đáng kể về ngoại hình, tính cách cũng như một số đặc điểm về sức mạnh.

Hành trình gần nửa thế kỷ của Wolverine

wolverine anh 2

Khi mới gia nhập X-Men, Wolverine và Cyclops không mấy ưa nhau. Ảnh: CBR.

Năm 1974, Wolverine xuất hiện lần đầu tiên trong Incredible Hulk Vol 1 #180-182, của các tác giả Len Wein và Herb Trimpe. Tại đây, Logan đang làm việc cho chính phủ Canada và được giao nhiệm vụ trong nỗ lực truy bắt Hulk. Ngay lập tức, nhân vật này tạo ra ấn tượng lớn với sự bướng bỉnh và hiếu chiến của mình. Anh ấy không chỉ đối đầu trực diện với Hulk mà còn với chính cấp trên của mình.

Trong Incredible Hulk, Logan được mô tả là nhân vật có sức mạnh, nhanh nhẹn và các giác quan nhạy bén ở mức độ cao. Khi đó, anh ấy cũng đã sở hữu bộ móng vuốt Adamantium sắc bén.

Tiếp theo, Wolverine xuất hiện trong Giant-Size X-Men #1, của Wein và Dave Cockrum. Trong đó, anh được Giáo sư X – Xavier – thuyết phục gia nhập X-Men. Việc tiết lộ thân thế của Logan như một dị nhân chính là nét thay đổi đầu tiên đối với Wolverine. Bởi ban đầu, Logan xuất hiện như một đặc vụ với nhiều khả năng chiến đấu đặc biệt hơn là một người đột biến.

Một khía cạnh khác của Logan không được thiết lập trong những lần xuất hiện đầu tiên và có sự thay đổi về sau chính là cái tên. Trong Incredible Hulk, anh ấy được biết đến với cả hai danh xưng Wolverine và Weapon X. Nhưng người ta thường chỉ gọi đơn giản là Wolverine trong những lần xuất hiện đầu tiên.

Advertisement

Mãi đến bộ X-Men Vol 1 #103, năm 1976, của Chris Claremont và Dave Cockrum, Wolverine mới chính thức có tên riêng của mình là Logan. Thậm chí sau đó, mãi đến năm 2001, hơn 25 năm sau, tên khai sinh của Wolverine mới chính thức được tiết lộ là James Howlett trong bộ truyện Origin #1 của Paul Jenkins và Andy Kubert.

Một khía cạnh khác của Wolverine đã thay đổi đáng kể có thể kể đến là đặc điểm mang tính thương hiệu của nhân vật này: Bộ móng vuốt. Thực tế, bộ móng vuốt trong quá khứ được làm bằng xương và bản thân khung xương của Logan cũng đều phát triển tự nhiên.

Nhưng về sau, ý tưởng về khung xương Adamantium xuất hiện một cách khó có thể đau đớn hơn. Chúng là tác nhân nhân tạo, được cấy ghép vào cơ thể đặc biệt của dị nhân Wolverine trong phần truyện Weapon X của Barry Windsor-Smith.

Gần như mọi siêu năng lực mà Logan có đều là chi tiết được bổ sung thêm sau này. Những mô tả ban đầu về anh ấy trong Incredible Hulk rất mơ hồ. Trong Incredible Hulk #181, sau khi bị Hulk hạ gục, người ta cho rằng Logan chỉ có thể sống sót do đòn đánh của Hulk mới chỉ lướt qua chứ chưa trúng đích. Tuy nhiên, sau này chi tiết đó được thay thế bởi khả năng tự phục hồi siêu việt của Wolverine.

Trên thực tế, đối với Logan, sức mạnh sẽ phát triển cùng tính cách. Nói cách khác, không thể có một Wolverine hùng mạnh, ngạo nghễ nếu như tính tình của anh ấy không phóng khoáng, bất cần và tự tin. Khó có thể đòi hỏi một siêu anh hùng như Logan mạnh lên sau từng trận đánh mà lại không có chút hung hăng, hiếu chiến nào.

Advertisement

Hành trình của Logan: Từ kẻ cô độc trở thành thủ lĩnh

wolverine anh 3

Logan có nhiều thay đổi cả về sức mạnh lẫn tính cách. Ảnh: ScreenRant.

Một thay đổi quan trọng trong tính cách của Logan suốt những năm qua chính là sự phát triển về vai trò của anh ấy trong nhóm. Gia nhập X-Men với sự bướng bỉnh, không khó để nhận ra Logan sẽ gặp khó khăn trong thời gian đầu khi tương tác với những đồng đội xung quanh.

Tuy nhiên, theo sự phát triển của thời gian, anh ấy dần trở thành “người cố vấn” đối với các siêu anh hùng trẻ tuổi hơn. Và cuối cùng, Logan được biết đến như thủ lĩnh của các X-Men.

Trong The Incredible Hulk #182, Logan được mô tả là người có vấn đề khi làm việc với các thành viên khác. Wolverine của Giant-Size X-Men và những cuộc phiêu lưu đầu tiên của anh ấy thậm chí còn cô độc hơn cả lúc trước. Còn sau khi gia nhập X-Men, Logan cũng không mấy phát triển kỹ năng làm việc nhóm, thậm chí còn đối chọi gay gắt với Cyclops – thủ lĩnh lúc đó.

Và rồi dần dần, Logan cũng quen dần với môi trường tập thể và mở lòng hơn khi xưa. Logan từng trở thành người cố vấn cho các thành viên trẻ như Kitty Pryde, Jubilee…

Xuất phát từ những gì phải chịu đựng trong quá khứ, Logan đã phát triển bản năng làm cha một cách mạnh mẽ và luôn đặt niềm tin vào việc bảo vệ thế hệ trẻ khỏi một thế giới đầy dị nghị, ghét bỏ và sợ hãi vì họ là những người đột biến.

Advertisement

Chính bản năng này đã dẫn dắt anh đến với một vai trò mới, đòi hỏi khả năng lãnh đạo. Thậm chí, Logan từng chiến đấu với Cyclops vì tin rằng Scott đang đặt những dị nhân trẻ tuổi vào mối nguy hiểm không cần thiết và vô tình biến họ thành những người lính khô khan, cứng nhắc.

Từ đây, Wolverine trở thành hiệu trưởng của New Jean Grey Academy trong Wolverine and the X-Men Vol 1 của Jason Aaron. Điều này khác xa với Logan của câu chuyện Incredible Hulk đầu tiên, nhân vật chỉ đơn giản là một người lính cô độc.

Xét cho cùng, phần hay nhất của tất cả thay đổi này đối với nhân vật Logan là chúng có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của một nhân vật nói riêng và cả cộng đồng dị nhân nói chung hay xa hơn là những ảnh hưởng tích cực đến mạch truyện của hàng loạt tác phẩm khác về dị nhân.

Logan từng bị lạm dụng, bị tẩy não và biến thành một thứ vũ khí sống. Rõ ràng, anh ấy có lý do để co mình lại trong cô độc và không tin tưởng những người xung quanh. Tuy nhiên, sau khi gia nhập X-Men, được sống trong sự tôn trọng và đối xử đàng hoàng, Logan đã thể hiện những phẩm chất tốt nhất của mình, từ sức mạnh, tố chất lãnh đạo đến sự tin tưởng và truyền lửa cho giới trẻ.

Nguồn: https://zingnews.vn/wolverine-da-thay-doi-nhu-the-nao-ke-tu-khi-xuat-hien-post1415547.html

Advertisement

Tiếp tục đọc

Xu hướng