Connect with us

Sách hay

Chiếc bánh madeleine của Chân

Được phát hành

,

“Những ý nghĩ khua vang căn bếp nhỏ” viết về những món ăn, như những lời nhắc nhở ta về một cách sống, đúng nghĩa và đầy đủ.

Am thuc du ki anh 1

Sách Những ý nghĩ khua vang căn bếp nhỏ. Ảnh: Thư Hoàng.

(Đọc Những ý nghĩ khua vang căn bếp nhỏ, Tản văn, Nguyễn Bảo Chân, NXB Văn học, Hà Nội, 2023)

Những người đam mê văn chương, đặc biệt là văn chương hiện đại Pháp, chắc hẳn khó có thể quên một đoạn trong bộ Đi tìm thời gian đã mất, đoạn về ngụm nước trà và miếng bánh madeleine.

Trong một ngày ảm đạm và buồn bã, Marcel, nhân vật chính của thiên truyện được mẹ cho uống một tách trà cùng những chiếc bánh madeleine, thứ bánh bình thường trong mọi gia đình Pháp, thứ gateau nhỏ tạo hình vỏ sò, mềm mại tan ngay trên đầu lưỡi, ngọt ngào và thơm mùi bơ. Và ngay khi Marcel nhấp ngụm trà cùng một miếng bánh, cả một vùng kí ức về tuổi thơ đã sống dậy trong tâm tưởng anh.

Advertisement

Những ý nghĩ khua vang căn bếp nhỏ của Nguyễn Bảo Chân cũng vậy, hay đúng hơn, cuốn sách giống một hộp bánh madeleine mà mỗi chiếc lại mở ra một vùng kí ức và trải nghiệm.

Tập du kí ẩm thực đẹp

Dù du kí và những tùy bút ẩm thực là những đề tài đã có rất nhiều người viết của văn chương Việt Nam những năm gần đây nhưng có lẽ, phải rất lâu rồi, sau Bánh mì thơm, cà phê đắng của Ngô Thị Giáng Uyên, người đọc mới lại được đọc một tập du kí ẩm thực đẹp đến vậy.

Cùng là những người nữ, cùng viết về những chuyến đi, những nơi chốn và hương vị, cùng nhẹ nhõm và tinh tế với một thứ ngôn từ đầy chất thơ, giàu cảm xúc và chạm đến mọi giác quan của người đọc. Dẫu vậy, mỗi tác phẩm vẫn là một thế giới riêng, không thể trộn lẫn.

Uyên viết Bánh mì thơm, cà phê đắng cùng Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương (những người nữ này cùng thích những tiêu đề rất dài) khi mới bước vào đời và bước ra thế giới. Sách của cô có cái háo hức của người mới được nhìn thấy và khám phá ra những chân trời mới tuyệt đẹp và mới mẻ.

Còn Nguyễn Bảo Chân lại khác. Chị viết ở một thời điểm khác của cuộc đời, khi bản thân đã như một cánh buồm nhỏ được thời gian như ngọn gió thổi căng phồng và đưa ra giữa đại dương cuộc đời. Cánh buồm ấy đã đi qua nhiều vùng trời, vùng biển, đã “nếm trải những sóng dữ khôn lường”.

Advertisement

Thời gian đã khiến nhiều bến mới một thời với cánh buồm nhỏ ấy cũng đã trở thành bến cũ. Nhưng dẫu vậy, dù đã ra khơi, đã đón nhận đủ sóng to, gió cả thì cánh buồm ấy, người viết ấy, vẫn “giữ cho thơ, cho mình những gì đẹp đẽ”. Có lẽ chính điều ấy làm nên vẻ đẹp cho cuốn sách của chị.

Mà thực ra thì gọi tập sách của Nguyễn Bảo Chân là một du kí ẩm thực cũng là chưa hết nhẽ. Đúng là nó dằng dặc trải ra những chân trời, những Hà Nội, Bến Tre, Huế, Đà Nẵng và cả những Singapore, Paris, Berlin, Copenhague, Ljubljana, Trieste, những vùng quê Amboise, những vùng biển Saint Michel, những vùng rừng Thụy Điển.

Nhưng đa phần những nơi chốn ấy là những nơi chốn của quá khứ, Hà Nội quá khứ, Huế quá khứ, Sài gòn quá khứ, một khu vườn quá khứ, một căn áp mái quá khứ và nhiều con người cũng thuộc về quá khứ.

Sự viết của Nguyễn Bảo Chân khác Giáng Uyên ở cái nhìn hồi cố ấy, một người thì háo hức khám phá, một người thì sống lại những trải nghiệm thông qua ngôn từ. Những trang viết của Nguyễn Bảo Chân khác với loại du kí thông thường ở cái nhìn ngược về quá khứ ấy. Và thực ra những trang viết của chị cũng không thuần túy là về ẩm thực, dù những món ăn, những hương vị hiện diện trong tất cả mọi đoản văn cấu thành nên cuốn sách.

Không có gì quá lạ lẫm, thậm chí, chỉ toàn những thứ có thể coi như những cliché văn hoá khi nói về ẩm thực: xôi, một thế giới của những loại xôi miền Bắc (xôi vò, xôi cốm); nem rán; bánh đúc; phở gà; bún bò; bánh xèo; … Ngay những món “hương xa” nhất cũng không phải là quá lạ lẫm: bánh mì, macaron hay galette des rois Pháp; tapas Tây ban nha; Panettone của Italy hay Vanillekipferl Đức…

Advertisement

Những thứ quen thuộc ấy, dưới ngòi bút của Nguyễn Bảo Chân vẫn có một cái gì rất đặc biệt. Bởi chị nhìn và cảm nhận nó một cách trọn vẹn, từ cách thức làm ra những thức thời trân ấy trong những gian bếp (trong sách của chị có cả một catalogue của những gian bếp đẹp), cho đến khi chúng được bày lên bàn mời gọi sự thưởng thức.

Chị nhìn thấy cái “lí” của những kết hợp hương vị, nhìn thấy nhịp điệu, sự hoà hợp của nguyên liệu và nghệ thuật chế biến một cách đầy tinh tế nhưng cũng ngẫu hứng và cảm nhận những thức trân quý ấy bằng tất cả mọi giác quan. Gọi những đoản văn của Nguyễn Bảo Chân là những du kí ẩm thực cũng không sai bởi đọc những bản văn ấy, người đọc được thưởng ngoạn vẻ đẹp, trọn vẹn, ngay từ khi được tạo sinh trong gian bếp của những món ăn.

Nhưng quan trọng hơn, đối với người kể chuyện, món ăn là một phần đời, nó gắn với những không gian, với những người thân, với bè bạn, với hạnh phúc vui buồn, cả đau đớn. Nó là những phần đời. Giống như Marcel trong Đi tìm thời gian đã mất, món ăn làm cho người kể chuyện được sống lại kí ức về người thân, về bạn bè, về những người thân thiết, những không gian và những quãng đời hạnh phúc.

Thế nên những đoản văn của Nguyễn Bảo Chân vẫn là một cái gì còn hơn cả một du kí ẩm thực thông thường. Nó như một tiểu thuyết tự truyện về một quãng đời đã qua mà thời gian như tấm filter để chỉ giữ lại những gì đẹp đẽ nhất, dù có thể, buồn bã.

Am thuc du ki anh 2

Tác giả Bảo Chân. Ảnh: FBNV.

Lối vào một nơi chốn thông qua ẩm thực

Một du kí ẩm thực đúng nghĩa sẽ luôn neo giữ món ăn với một nơi chốn. Ăn là một cách để có được một “lối vào” một nơi chốn và có lẽ ít kẻ lãng du nào là những người mê bếp núc. Nhưng Nguyễn Bảo Chân thì khác.

Advertisement

Chị thường có khuynh hướng đem món ăn vượt khỏi những ranh giới và giới hạn của những nơi chốn. Phở gà, bún bò, chân giò ninh măng, nem rán, cả bún chả “que tre” hay xôi vò được mang ra khỏi biên giới, nhiều khi rất nhiêu khê. Chị xoay sở để giữa những nơi chốn xa lạ có thể phục nguyên được trọn vẹn hương vị và hồn cốt của món Việt.

Và không những thế, chị mang món ăn từ những phương trời xa lạ về căn bếp nhà mình ở Hà Nội. Món ăn, với Nguyễn Bảo Chân, là những quãng đời bởi mỗi món ăn lại gắn với một con người làm nên một phần quan trọng của cuộc đời chị.

Đó là những người thân thiết, là bà, là dì, là bạn bè, là rất nhiều con người chỉ tình cờ gặp gỡ trên hành trình thiên lí mà rồi trở thành những người thân thiết, là những đồng hành đã đi cùng chị một quãng đời trên căn áp mái Paris mà mỗi khi đi qua vẫn còn vẹn nguyên nỗi nhớ hay những chiều Singapore lộng gió có một Irish pub với những cái ghế đung đưa.

Mỗi món ăn, với Nguyễn Bảo Chân là một trải nghiệm sống, nó mang theo kí ức về một không gian, một nơi chốn, một quãng đời và những con người. Nó là cách để nhắc nhở nhau về nguồn cội, để tận hưởng tình yêu và tình thân, để hờn dỗi và để hiểu rằng có những khoảng cách giữa con người không thể nào vượt qua được, như nỗi háo hức về hạt đậu nhỏ trong chiếc bánh Galette des rois được háo hức chờ người đàn ông nhận ra và rồi bị coi như một hạt sạn vô nghĩa.

Và rất nhiều người trong số ấy đã không còn nữa, hoặc đã phải đầu hàng trước quy luật của thời gian, không còn là con người xưa cũ: một nhà thơ, phải sống nốt quãng đời với chứng bệnh lãng quên hay những người bạn vong niên phải dành quãng đời còn lại trong trại dưỡng lão. Hoặc có những người đã trở thành quá xa.

Advertisement

Có lẽ, đó chính là lí do khiến Chân muốn đem món ăn ra khỏi những không gian cố hữu của nó. Chị mang món Việt đến những chân trời xa như mang theo một phần quá khứ, giữ nó sống cùng mình và mang những món phương xa về căn bếp của mình như một cách sống lại những quãng đời không còn nữa. Như chính chị viết, đó là cách để làm cho những gì đã xa mãi mãi là của mình.

Có một điểm chung của rất nhiều nhân vật trong sách của Nguyễn Bảo Chân: họ dường như không bị neo giữ vào một nơi chốn nào. Một nhà báo từ miền Trung ra Hà Nội lập nghiệp, trải qua những ngày khó khăn trong một căn nhà cấp bốn cuối một con ngõ lầy lội; một nhà thơ giữ nguyên giọng Quảng Bình nhưng lại sống ở Huế và cuối đời thì ở Sài gòn; một nhà thơ già cuối đời từ bỏ Sài gòn để sống trong một căn vườn Bến Tre hay một nhà thơ khác thì di động giữa Sài gòn, Bình Dương và quê nhà; những người Việt định cư ở nước ngoài hay một người đàn ông gốc Ái nhĩ lan sống ở Singapore.

Có một cái gì rất gần giữa Nguyễn Bảo Chân và những con người ấy. Họ thuộc về một thế giới mà con người không bị đóng khung cả cuộc đời trong một không gian và những món ăn chính là một cách để trong cuộc đời xê dịch, họ nhớ về nhau và mang giữ những trải nghiệm quá khứ như những album kỉ niệm luôn theo bên mình. Có lẽ vì thế nên những phần xúc động nhất của cuốn sách lại không phải là về những món ăn mà là về những con người, về bà ngoại, về nhà báo Mai Nhung, nhà thơ Chim Trắng, nhà văn Lý Văn Sâm, những bạn bè, bạn viết, bạn vong niên và những người đã cùng chị đi qua một phần đời.

Trong sách của Nguyễn Bảo Chân có một đoạn rất hay chị viết về thuốc lá: hút một hơi thuốc nhưng chỉ giữ trong vòm miệng đủ để cảm nhận được sự hòa trộn của hương thuốc và cà phê và rồi thả khói ra chứ không hít sâu xuống phổi. Tản văn của Nguyễn Bảo Chân là như vậy.

Trong thời đại của một xã hội diễn cảnh khi mà mọi điều đều được phơi bày lên mạng xã hội một cách không thương tiếc thì chị vẫn giữ được cho văn của mình một khoảng cách cần thiết. Chị bước vào cuộc đời những người khác, gắn bó và thân thiết nhưng không phơi bày thân phận của họ lên trang viết như một người viết tiểu thuyết ứng xử với nhân vật của mình.

Advertisement

Và chị cũng hé lộ vừa đủ cuộc đời mình, cả những hạnh phúc trẻ thơ lẫn những nỗi buồn day dứt sâu thẳm cũng như những đau đớn tê dại nhưng cũng vẫn giữ lại dủ những gì chỉ cho riêng mình. Đó là một thái độ sống không dễ gì tìm thấy được trong thời đại ngày nay nhưng lại cần thiết để giữ cho cuộc đời những điều tốt đẹp.

Như là những món ăn, luôn ở đó, như những lời nhắc nhở ta về một cách sống, đúng nghĩa và đầy đủ.

Nguồn: https://zingnews.vn/chiec-banh-madeleine-cua-chan-post1410575.html

Advertisement
Tiếp tục đọc
Quảng cáo
Nhấn vào đây để bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Sách hay

8 cuốn sách tác giả hối tiếc khi viết ra

Được phát hành

,

Bởi

Trang “Book Riot” đã chia sẻ về 8 cuốn sách khiến các tác giả hối tiếc sau khi được xuất bản, thậm chí vì chúng quá nổi tiếng.

tieu thuyet co tac dong anh 1

Alice’s Adventures in Wonderland của Lewis Carroll. Cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ sở thần tiên là một trong những cuốn sách thiếu nhi có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, vào năm 2014, một lá thư của Charles Dodgson (tên thật của tác giả Carroll) đã được phát hiện và tiết lộ nhiều điều về cuốn sách này. Trong đó, ông ghét việc bị chú ý sau khi cuốn sách này thành công rực rỡ. Dodgson thừa nhận: “Tôi ghét tất cả sự chú ý đó đến mức đôi khi tôi gần như ước mình chưa bao giờ viết bất kỳ cuốn sách nào”. Ông cũng chỉ gửi đi những câu trả lời ngắn gọn và tức giận cho những người gửi thư tới bút danh của ông.

tieu thuyet co tac dong anh 2

Cuốn Boating for Beginners của Jeanette Winterson. Là một tác giả có nhiều tác phẩm nổi tiếng nhưng cuốn Boating for Beginners của bà ít được biết hơn. Một phần là do chính cá nhân Winterson có mâu thuẫn đối với tác phẩm này. Dù không ghét cuốn sách này, Winterson đã thẳng thắn về lý do xuất bản Boating For Beginners: Cần tiền nên viết cuốn sách một cách nhanh chóng. Ra mắt chỉ 3 tháng sau tác phẩm đầu tay Oranges are Not the Only Fruit, Boating for Beginners là một câu chuyện rất khác và chỉ mang tính giải trí nhẹ nhàng. May mắn thay, những cuốn sách sau đó khá thành công và lấy lại được danh tiếng cho bà. Gần đây nhất là vào năm 2019, cuốn sách Frankissstein của bà đã lọt vào danh sách rút gọn của Giải thưởng Booker.

tieu thuyet co tac dong anh 3

Cuốn The Wind From Nowhere của J.G. Ballard. Trong khi Winterson hối tiếc về cuốn sách thứ hai của bà thì J.G. Ballard lại hối tiếc về cuốn sách đầu tiên của mình đến mức ông thường giả vờ tác phẩm đầu tay là The Drowned World. Trên thực tế, The Wind From Nowhere được viết và xuất bản trước nhưng Ballard thừa nhận trong các cuộc phỏng vấn rằng ông viết cuốn sách này chỉ để kiếm tiền và không thực sự thích nó. Tác phẩm này được hoàn thành trong 10 ngày và Ballard cảm thấy nó sáo rỗng không khác gì việc đi cóp nhặt.

tieu thuyet co tac dong anh 4

Orlando The Marmalade Cat của Kathleen Hale. Cho tới nay, Orlando the Marmalade Cat vẫn luôn là một phần thân yêu trong tuổi thơ của nhiều độc giả. Những cuộc phiêu lưu của Orlando đã được xuất bản và tái bản trong hơn 4 thập kỷ, từ những năm 1930 đến những năm 1970. Là sản phẩm trí tuệ của nghệ sĩ Kathleen Hale, cuốn sách này được viết để giải trí cho hai đứa con nhỏ của bà. Mặc dù tận hưởng thành công của loạt sách này, Hale “cảm thấy Orlando đã cướp mất sự nghiệp họa sĩ của bà” – công việc mà bà đã theo đuổi từ những năm 20 tuổi.

tieu thuyet co tac dong anh 5

Winnie the Pooh của A. A. Milne. Công chúng đều biết rằng nhân vật Christopher Robin ngoài đời thực, con trai của tác giả A. A. Milne, đã có nhiều cảm xúc cực đoan với sự hiện diện của mình trong tác phẩm. Khi ở tuổi thiếu niên, Christopher Robin hay bị bạn bè trêu chọc vì những câu chuyện “trẻ con” nên cậu bé liền cảm thấy khó chịu với “sự nổi tiếng bất đắc dĩ” này. Việc con trai không còn thích tác phẩm này đã khiến quan hệ giữa 2 cha con trở nên căng thẳng. Thêm vào đó, Milne cũng buồn lòng vì độc giả quá chú ý vào Winnie the Pooh mà không coi trọng tác phẩm nào khác của ông, chẳng hạn các vở kịch và nhiều tác phẩm phi hư cấu khác.

tieu thuyet co tac dong anh 6

Survivor của Octavia E. Butler. Octavia E. Butler là một nhà văn viễn tưởng có ảnh hưởng, với nhiều tác phẩm như FledglingLilith’s Brood. Survivor được xuất bản năm 1978, nằm trong loạt truyện Patternist của bà. Tác phẩm không được quảng bá nhiều vì Butler không thích cuốn tiểu thuyết này. Bà cho rằng “cuốn sách thực sự gây khó chịu” vì nó mang âm hưởng của chủ nghĩa thực dân khi kể lại câu chuyện con người du hành đến hành tinh khác và tương tác với “người bản địa” mà họ tìm thấy ở đó.

tieu thuyet co tac dong anh 7

The Anarchist Cookbook của William Powell. Trong trường hợp này, tác giả Powell đã hối tiếc vì tác phẩm của ông có tác động lớn và tiêu cực đến thế giới. Anarchist Cookbook được nhiều kẻ khủng bố và các nhân vật bạo lực rất ưa chuộng. Lý do là cuốn sách này có hướng dẫn cách chế tạo chất nổ, vũ khí và ma túy bất hợp pháp, cùng nhiều thứ khác. Powell thường xuyên nói về việc quan điểm của ông đã thay đổi ra sao kể từ khi ông viết cuốn sách này. Càng về sau, ông càng muốn cuốn sách này “nhanh chóng và lặng lẽ bị dừng in”. Tuy nhiên, do không giữ bản quyền nên ông đã không thành công.

tieu thuyet co tac dong anh 8

Jaws Của Peter Benchley. Đây là một tác phẩm ăn khách và phiên bản điện ảnh của nó cũng rất hút khách. Tuy nhiên, Jaws gây nhiều hệ lụy đến thế giới thực. Tác phẩm này đã tạo ra một nhận thức sai lầm trong cộng đồng rằng cá mập là những kẻ giết người nguy hiểm và luôn muốn tấn công con người. Trong khi thực tế, các cuộc tấn công của cá mập là rất hiếm và chúng đôi khi cũng là những sinh vật thân thiện và tình cảm. Benchley rất buồn trước việc Jaws đã thúc đẩy hành động cho phép săn cá mập hợp pháp và trong phần đời còn lại của mình, ông đã nỗ lực để bảo vệ loài động vật này. Ảnh: Amazon.

Nguồn: https://zingnews.vn/8-cuon-sach-tac-gia-hoi-tiec-khi-viet-ra-post1414328.html

Advertisement
Tiếp tục đọc

Sách hay

Những phản diện manga có điểm chung với Voldemort

Được phát hành

,

Bởi

Dù thuộc phe phản diện hay chính diện, khi có chung lý tưởng, đam mê và sở thích, sẽ không mất quá nhiều thời gian để hai nhân vật thân thiết với nhau.

voldemort anh 1

Với một kẻ đầy tham vọng và đặc biệt nguy hiểm như Voldemort, hắn có thể là nỗi ám ảnh của cả thế giới nhưng cũng có thể là tri kỷ của nhiều nhân vật phản diện khác. Đặt trong thế giới truyện tranh, những kẻ xấu dưới đây có thể sẽ tìm được nhiều điểm chung. Ảnh: TheArtifice.

voldemort anh 2

Bộ truyện Harry Potter của J.K. Rowling đã tạo nên một thế giới phù thủy đậm chất kỳ ảo và tinh tế. Tương tự, Akira Toriyama cũng đã làm nên một tượng đài của thế giới truyện tranh với Dragon Ball Z. Trong đó, Frieza nổi bật lên như một trong những ác nhân toàn diện nhất với sức mạnh bá đạo, mưu mô cùng tham vọng cũng ở tầm vóc vũ trụ. Hắn sẵn sàng làm mọi việc để đạt được mục đích thống trị vũ trụ 7 của mình. Thậm chí, nụ cười của Frieza được nhiều bạn đọc đánh giá cao khi vừa thể hiện được thái độ cao ngạo, vừa làm nổi bật thêm nét gian trá, xảo quyệt của nhân vật phản diện này. Giống Voldemort, Frieza cũng có cả một đội quân hùng mạnh dưới quyền luôn sẵn sàng thực hiện mọi mệnh lệnh được giao. Đặc biệt, xét về độ tàn nhẫn, hai nhân vật này đều được xếp hàng đầu. Ảnh: CBR.

voldemort anh 3

Thủ lĩnh của Liên minh tội phạm trong bộ truyện tranh My Hero Academia, All For One, là nhân vật phản diện chính xuyên suốt tác phẩm. Không có gì phải nghi ngờ về tham vọng xấu xa của All For One khi hắn muốn cả thế giới phải cúi đầu trước mình. Bị All Might đánh bại hai lần và giam cầm ở Tartarus, hắn không bỏ cuộc và vẫn quyết tâm đạt được mục tiêu trên. Điểm giống nhau giữa All For One và Voldemort là nỗi sợ hãi đến ám ảnh mà chúng gây ra cho những người xung quanh. Ảnh: CBR.

voldemort anh 4

Không khó để có thể nhận ra khát vọng mà cả Orochimaru (trong bộ manga Naruto) và Voldemort cùng hướng tới, đó là sự bất tử. Cả hai đều bị ám ảnh bởi cái chết, mong mỏi mãnh liệt đối với khái niệm trường sinh và luôn cố gắng thử nghiệm mọi khả năng để có cơ hội chạm vào khát vọng ấy. Đối với Orochimaru, xuất thân là phản diện chính của một arc truyện nhưng dần dần hắn lại chuyển dịch vai trò của mình. Trong khi đó, Voldemort luôn được tác giả giữ vững bản chất. Trận chiến cuối cùng của hắn với Potter cũng là chiến thắng chung cho cả bộ tiểu thuyết. Biết đâu đó, nếu tồn tại trong cùng một vũ trụ, hai nhân vật này sẽ “cao hứng” đến thế nào khi biết vẫn có người cùng đam mê về sự bất tử giống mình. Ảnh: CBR.

voldemort anh 5

Các “đồng minh tiềm năng” của Voldemort đã có mặt trong Dragon Ball, Naruto; đối với One Piece, kẻ phản diện có nhiều nét giống với ác nhân trong Harry Potter nhất có lẽ là Râu Đen – thuyền trưởng băng hải tặc cùng tên. Càng về cuối truyện, tầm ảnh hưởng của Râu Đen càng lớn. Và dĩ nhiên, hắn cùng Voldemort sẽ rất hợp nhau trong tham vọng thống trị thế giới của mình. Ảnh: CBR.

voldemort anh 6

Là bộ manga có nhiều độc giả trung thành, Fullmetal Alchemist là hành trình của hai anh em nhà Elric đi tìm kiếm phương pháp giúp Alphonse trở lại hình dạng con người của mình. Trên con đường đầy gian khổ đó, họ phải đối đầu với Father – là Homunculus đầu tiên và là người tạo ra những kẻ khác. Hắn sẵn sàng xóa sổ cả một quốc gia với hàng triệu người vô tội chỉ để tăng cường sức mạnh hay thậm chí xuống tay hạ sát cả những kẻ thân tín nhất vì mục đích riêng. Chỉ vậy thôi cũng đủ nói lên sự “tương xứng” giữa Father và Voldemort. Ảnh: CBR.

voldemort anh 7

Trong Hunter X Hunter, Hisoka Morow là một trong những nhân vật phản diện nổi tiếng và được yêu thích nhất. Nhưng nhìn ở góc độ khác, đó cũng là người tàn nhẫn, ích kỷ và luôn coi mình là trung tâm. Phương diện tính cách này cũng không chênh so với Voldemort là mấy. Hắn luôn muốn mình nắm giữ vị trí độc tôn và thống trị phần còn lại của thế giới. Cả hai nhân vật đều tạo ra ảnh hưởng khổng lồ đến tác phẩm của bản thân và ghi dấu ấn lớn trong lòng độc giả. Ảnh: CBR.

Nguồn: https://zingnews.vn/nhung-phan-dien-manga-co-the-lam-ban-than-cua-voldemort-post1413950.html

Advertisement
Tiếp tục đọc

Sách hay

Cách người nước ngoài nhìn về văn hóa Việt Nam thông qua giao thông

Được phát hành

,

Bởi

Qua “Du hành về Nam”, tác giả người Bỉ Jean Pierre Outers mượn những hình ảnh, đặc điểm về giao thông Việt Nam để bàn về văn hóa Việt.

van hoa Viet Nam anh 1

Hình minh họa: Việt Linh.

“Trong tiếng Việt, đường phố được gọi là con phố, từ ‘con’ là loại từ thường được dùng với danh từ chỉ các sinh vật động, cũng giống con người và động vật (một con đường, con người), trong khi ở tiếng Pháp “phố” thuộc về thế giới vô tri vô giác của sự vật, như cái chổi hay cái đinh”, trích Du hành về Nam.

Thông qua những quan sát về con người, sự vật trên những nẻo đường Việt Nam, Jean Pierre Outers tìm cách định nghĩa những bản sắc in hằn nơi đây. Những sắc màu văn hóa được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử, tạo nên một bản sắc độc đáo của Việt Nam.

Sáng 21/3, trong buổi giao lưu giới thiệu tác phẩm tại Đại học Ngoại ngữ (Đại học quốc gia Hà Nội), tác giả Jean Pierre Outers đã có những chia sẻ thú vị xoay quanh bản sắc văn hóa và cách đặc tính giao thông có thể kể câu chuyện văn hóa của quốc gia đó.

Advertisement
van hoa Viet Nam anh 2

Tác giả Jean Pierre Outers tại Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: MH.

Theo ông, người nước ngoài tới Việt Nam đầu tiên sẽ luôn thấy kinh ngạc với giao thông Việt Nam. Ông nói: “Giao thông Việt Nam rất khác với giao thông ở Pháp nói riêng và ở châu Âu nói chung. Đường phố luôn có rất nhiều người, nhiều loại phương tiện giao thông: xe máy, ôtô, xe đạp… một hình ảnh rất lạ lẫm, sống động”.

Jean Pierre Outers cho biết ông viết Du hành về Nam trước tiên là cho chính ông, như một nỗ lực để hiểu về Việt Nam. Với cách tiếp cận đậm tính cá nhân như vậy, tác giả chọn góc nhìn mà ông thấy thú vị và độc đáo nhất – giao thông Việt Nam.

Tác giả người Bỉ chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng giao thông của mỗi nơi luôn phản ánh được nền văn hóa ở đó”.

Dù vậy, Du hành về Nam không chỉ tập trung kể chuyện giao thông, đường phố Việt Nam. Theo Jean Pierre Outers, giao thông chỉ là một kiểu “ẩn dụ”, qua đó, ông bàn về sự giao thoa văn hóa tại Việt Nam.

van hoa Viet Nam anh 3

Sách Du hành về Nam của Jean Pierre Outers. Ảnh: CVN/LeCourrier.

Đã sống ở Việt Nam một thời gian dài, Jean Pierre Outers cảm nhận được một mạch giao thoa giữa văn hóa Á Đông và văn hóa châu Âu tại đây.

Advertisement

Ông nhận định rằng giao thông Việt Nam chứng tỏ một sự táo bạo, một năng lượng khó kiểm soát của một thế hệ ưa khám phá tự do phóng khoáng và thích thay đổi.

Giao thông Việt Nam có sự chằng chịt, tầng tầng lớp lớp các dòng chảy “cuộn lại, trải ra và thâm nhập vào nhau một cách trực diện”. Trong đó, Jean Pierre Outers nhìn ra một sự pha trộn của nhiều thời đại, nhiều dấu ấn văn hóa ngoại lai còn sót lại từ quá khứ.

Theo ông, Việt Nam tiếp thu những gì đi qua, nhào trộn chúng, trước khi Việt hóa và tạo ra một bản sắc riêng biệt của Việt Nam. Qua cái nhìn của tác giả người Bỉ, bức tranh đô thị Việt Nam hiện lên hài hòa nhưng cũng dữ dội, hỗn độn các nét vẽ. Đó là hình ảnh của một thành phố đang trên đà phát triển chóng mặt.

TS Văn học Trần Hoài Anh, Giảng viên tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận xét Du hành về Nam là một tác phẩm hay và xác đáng về văn hóa Việt Nam. Bà nói: “Tác giả có cái nhìn chân thực về văn hóa từ một góc nhìn mới lạ – phương tiện giao thông. Nếu không đọc tác phẩm gốc thì người đọc sẽ nhầm ông là người Việt Nam”.

Jean Pierre Outers đến Việt Nam cuối năm 1994, từng làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Hà Nội, sau đó công tác tại Phái đoàn Wallonie – Bruxelles (Bỉ). Ông đã xuất bản một số ấn phẩm viết về văn hóa, trong đó có tác phẩm du ký Passer au Sud (Du hành về Nam) bàn về sự giao thoa văn hóa tại Việt Nam thông qua cái nhìn vào tình hình giao thông nơi đây.

Advertisement

Nguồn: https://zingnews.vn/cach-nguoi-nuoc-ngoai-nhin-ve-van-hoa-viet-nam-thong-qua-giao-thong-post1413931.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng